Metaverse Là Gì? Những Điều Bạn Cần Biết Về “Cơn Sốt” Metaverse?
Công nghệ ngày nay đang phát triển với một tốc độ chóng mặt. Có những tập đoàn đang tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm hoặc chất lượng dịch vụ, số khác thì nhìn vào những cách tân có thể thay đổi cách con người sử dụng công nghệ. Điện thoại thông minh, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, blockchain là một số thành tựu đã và đang tác động đến đời sống xã hội hàng ngày, và gần đây, chúng ta có thêm một từ khóa đáng chú ý nữa – “metaverse”, đó cũng là đường đua mà nhiều tên tuổi lớn trong giới công nghệ đã bắt đầu tham gia vào.
1. Metaverse là gì?
Metaverse là gì? Metaverse là môi trường kỹ thuật số nơi con người có thể tương tác qua lại hoặc với những thực thể số để phục vụ mục đích gắn kết,…
Metaverse có nghĩa là “vũ trụ bên kia”. Thuật ngữ này từ lâu đã được sử dụng để miêu tả khái niệm về một tương lai nơi con người sử dụng Internet làm công cụ kết nối một cách triệt để. Thực chất, lúc này Metaverse sẽ mang nhiều nghĩa đối với nhiều người, bởi đây vẫn là một phạm trù không ngừng mở rộng và bao quát nhiều khía cạnh công nghệ.
Để giải thích một cách đơn giản: Metaverse là môi trường kỹ thuật số nơi con người có thể tương tác qua lại hoặc với những thực thể số để phục vụ mục đích gắn kết, chơi game, làm việc, xã giao. Một không gian số của chung tất cả, nơi mà lằn ranh của cả thế giới vật chất và không gian ảo cùng hội tụ.
Bất kỳ ứng dụng, dịch vụ, nền tảng nào cho phép con người hay trí tuệ nhân tạo tiếp xúc với nhau đều cấu thành Metaverse. Những sản phẩm như Pokemon Go với công nghệ thực tế ảo tích hợp, hay không gian Horizon Workrooms do Facebook phát triển đều là nền móng cho những gì Metaverse có thể hiện thực hóa trong tương lai.
2. Quan điểm của Facebook về Metaverse
Facebook là nhân tố đóng vai trò then chốt trong việc lan tỏa khái niệm Metaverse trong giới IT đại chúng. Một trong những động thái dễ nhận thấy nhất là việc công ty Facebook đã đổi tên thành Meta chỉ mới gần đây. Gã khổng lồ truyền thông cũng đầu tư thêm 50 triệu đô la Mỹ để xây dựng nền tảng cho Metaverse một cách chỉn chu nhất, công bố sự hợp tác với Đại học Howard, Đại học Hong Kong và Đại học Quốc gia Seoul để nghiên cứu sự an toàn, độ tin cậy và những phạm trù đạo đức xoay quanh Metaverse.
CEO Mark Zuckerberg cho rằng Metaverse sẽ là nền tảng vi tính quan trọng tiếp theo, đứng sau sự phát triển của điện thoại thông minh. Ông bày tỏ mong muốn thúc đẩy tốc độ lan tỏa của loại công nghệ này thay vì để tập đoàn sở hữu độc quyền, thông qua một số động thái như tài trợ cho các nhà phát triển để đẩy mạnh Metaverse. “Meta” chính là tuyên bố của công ty về sự tự tin tuyệt đối vào tiềm năng của xu hướng mới này. Và không riêng gì Meta/Facebook, “ông lớn” Microsoft cũng đã bước vào cuộc chơi.
3. Công nghệ xoay quanh Metaverse
Giữa rất nhiều loại công nghệ có thể đóng góp cho Metaverse, song chúng ta sẽ thấy đa phần là thực tế ảo hay thực tế tăng cường. Trong giai đoạn thành hình này, trải nghiệm ban đầu của đại chúng với Metaverse sẽ phần nào trực quan hơn khi họ có sẵn thiết bị VR như Oculus hay Playstation. Mặc dù thiết bị thực tế ảo vẫn chưa phải một sản phẩm đa dụng đại trà với từng hộ gia đình, loại không gian này cũng rất cần được phổ biến rộng rãi để mọi người bắt đầu cảm thấy gần gũi với thế giới số.
4. Hạ tầng cần thiết cho Metaverse
Một điều chắc chắn đó là Metaverse sẽ yêu cầu rất nhiều cải tiến cũng như cải tổ trong hạ tầng công nghệ để chuẩn bị cho tương lai của nó. Phạm vi này bao gồm công suất tính toán, trích xuất hình ảnh 3D, công nghệ thực tế ảo, khả năng kết nối Internet, v.v.. Đồng hành trong các lĩnh vực này cùng Facebook còn có những tập đoàn lớn như Nvidia, Microsoft và Tencent.
5. Ứng dụng của Metaverse
Khả năng kết hợp những yếu tố thực và ảo trong môi trường tương tác kỹ thuật số khiến Metaverse rất có tiềm năng trong nhiều khía cạnh sinh hoạt thường nhật của con người, hay để áp dụng trong lĩnh vực giải trí, sản xuất, chăm sóc sức khỏe, thể thao, giáo dục đào tạo. Tuy vậy, khi một thành tựu công nghệ có khả năng hòa nhập vào đời sống xã hội một cách sâu sắc, các công ty thực sự cần phải để ý đến yếu tố đạo đức đi kèm. Để đảm bảo sự ứng dụng Metaverse luôn được kiểm soát trong những chừng mực được cho phép.
5.1. Metaverse đối với Thể thao và Giải trí
Tại công ty game Unity, trưởng bộ phận phát triển giải trí và thể thao Peter Moore đã công bố dự án Unity Metacast – nền tảng mô phỏng các hoạt động thể thao chuyên nghiệp dưới hình ảnh 3D theo thời gian thực.
Theo giải thích, hệ thống camera sẽ ghi hình vận động viên đang thi đấu và truyền lại dữ liệu để tạo thành hình ảnh sao chép. Buổi phát sóng đầu tiên là một trận đấu giữa hai võ sĩ MMA với hơn 106 thiết bị ghi hình. Unity cũng bày tỏ mong muốn mở rộng quy mô dự án, nâng cao chất lượng thu hình để hướng đến việc khởi tạo sản phẩm NFT từ những nội dung thể thao này, giống những gì mà Hiệp hội Bóng rổ Mỹ NBA đang áp dụng cho nền tảng NFT của họ.
5.2. Metaverse đối với lĩnh vực Y tế
Các y bác sĩ là một trong những nhóm đối tượng đầu tiên được ứng dụng công nghệ AR (thực tế tăng cường) trong công việc của họ. Bộ headset Hololens do Microsoft phát triển cho phép nhiều bác sĩ cùng tham gia một ca phẫu thuật cho dù họ đang ở nhiều quốc gia khác nhau. Kế tiếp, đội ngũ phẫu thuật có thể dùng cử chỉ tay, mệnh lệnh giọng nói để thao tác với thiết bị và đưa ra các bản quét 3D trực quan, truy cập dữ liệu bệnh nhân và điều phối quy trình hiệu quả.
5.3. Metaverse đối với lĩnh vực Đào tạo
NASA sử dụng thiết bị thực tế ảo trên các trạm vũ trụ để giúp con người điều khiển robot từ xa cho công việc bảo hành, thậm chí là đào tạo chuyên sâu cho chương trình phi hành gia của ISS. Công nghệ hiện tại có thể cho phép trung tâm điều khiển ở Trái đất thu lại góc nhìn của phi hành gia và dựng hình 3D, phục vụ mục đích đánh giá chi tiết vốn yêu cầu các dữ liệu trực quan, chính xác nhất.
5.4. Metaverse đối với Sản xuất
Trong tương lai, nếu được áp dụng đúng quy trình, Metaverse sẽ giúp ích rất nhiều cho hầu hết các công việc phổ thông của con người, nhất là trong sản xuất, gia công theo dây chuyền. Bởi khi đó nhân công có thể dùng những mệnh lệnh để tham vấn thông số kỹ thuật, làm các thao tác liên quan đến hỗ trợ hạ tầng hơn là phải trực tiếp xử lý máy móc
5.5. Mối liên hệ giữa Metaverse và mô hình làm việc Hybrid Work
Hybrid Work, hay mô hình làm việc kết hợp, là phương thức điều phối công việc với sự tham gia của cả nhân tố con người và sự hỗ trợ liên lạc thông qua công nghệ thực tế ảo. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu cân nhắc ý tưởng về những “văn phòng trên mây”, ám chỉ đến sự linh hoạt về địa lý của thuật toán đám mây, hay cụ thể hơn trong văn cảnh này – không gian số nơi mà nhân viên có thể làm việc chung.
Đây cũng được coi là một phương án thông minh để giải quyết sự mệt mỏi mà những cuộc họp trực tuyến kéo dài có thể gây ra. Một số lợi ích khi Metaverse hỗ trợ mô hình Hybrid Work là:
- Xây dựng hình ảnh văn phòng gần gũi
- Củng cố tinh thần làm việc của doanh nghiệp
- Lan tỏa tinh thần đoàn kết về đạo đức công việc, văn hóa
- Thiết kế không gian linh hoạt qua hỗ trợ kỹ thuật số để truyền cảm hứng làm việc
Lời kết
Trong những biến động thời cuộc của thế kỷ 21, cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Khoảng cách giữa người với người đang thay đổi đáng kể, họ đặc biệt dành nhiều thời gian cho công nghệ và các thiết bị bổ trợ để khiến việc liên lạc, kết nối của mình tiện lợi hơn.
Tuy rằng Metaverse còn đang ở giai đoạn phôi thai và còn nhiều rào cản hạ tầng trước khi nó có thể vươn đến từng ngóc ngách của cuộc sống, nhiều người còn chưa biết Metaverse là gì, nhưng sự nghiên cứu gấp rút của các tập đoàn và xu thế ủng hộ của truyền thông đang chứng minh cho rất nhiều tiềm năng mà Metaverse sẽ thể hiện trong tương lai, trở thành công cụ đắc lực cho mối liên kết của nhân loại trong thời đại số hóa.
Savvycom – Đối Tác Công Nghệ Hàng Đầu Tại Việt nam
Thành lập từ 2009, Savvycom là một trong những công ty Công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn chuyển đổi số và giải pháp phần mềm trong lĩnh vực tài chính, y tế và bán lẻ cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Với mong muốn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thông tin toàn cầu, Savvycom hướng đến sứ mệnh đưa công nghệ đổi mới vào cuộc sống bằng cách tận dụng nguồn lực lao động kỹ thuật tại Việt Nam, và tầm nhìn trở thành công ty CNTT hàng đầu trong khu vực ASEAN.
Liên lạc với chúng tôi qua, hoặc gửi yêu cầu của bạn trực tiếp tại Form liên lạc:
- Điện Thoại: +84 24 3202 9222
- Hotline: +84 352 287 866 (VN)
- Email: [email protected]