3 Điều Cần Biết Về Thị Trường Ví Điện Tử Việt Nam
Thị trường ví điện tử Việt Nam đang vào giai đoạn bùng nổ, chứng kiến sự cạnh tranh của hơn 40 ví điện tử đang hoạt động. Trong vòng 4 năm trở lại đây, số lượng người sử dụng ví điện tử đã tăng vọt, và một trong những nguyên nhân chính là sự xuất hiện của đại dịch Covid19.
Thói quen tiêu dùng tài chính đã thay đổi hoàn toàn, ngày càng có nhiều người chuyển sang sử dụng ví điện tử, đặc biệt là khu vực thành thị. Các ngân hàng cũng đã nắm được xu hướng này và thực hiện liên kết với các ví điện tử phổ biến như MoMo, ZaloPay hay Viettel Pay, nhằm tối ưu trải nghiệm cho người dùng.
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về thị trường ví điện tử Việt Nam, những cái tên đang nắm giữ đa số thị phần, cũng như những cơ hội đang đón chờ trong tương lai.
I. Tổng quan thị trường ví điện tử Việt Nam
Ra đời năm 2008 trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử đang cần những công cụ thanh toán phù hợp, nhanh chóng hơn, ví điện tử được kỳ vọng giúp việc mua bán trở nên đơn giản, dễ dàng hơn. Đây là một loại tài khoản điện tử dùng để thanh toán các giao dịch trực tuyến, giúp người dùng thanh toán các loại phí trên Internet như hóa đơn tiền điện, tiền nước, cước Internet, cước truyền hình cáp, mua vé máy bay, thanh toán vay tiêu dùng, chuyển tiền, mua sắm online,…
Ví điện tử là một ví ảo lưu trữ thông tin thẻ thanh toán trên máy tính hoặc thiết bị di động, để tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho mua hàng trực tuyến mà cả thanh toán tại các điểm bán lẻ.
Tính đến hết năm 2019, Việt Nam có 32 tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép cung cấp dịch vụ ví điện tử. Điều này đã đáp ứng cơ bản nhu cầu thanh toán của người tiêu dùng trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ như hiện nay với một số tiện ích như:
– Hình thức nạp tiền và thanh toán đa dạng, nhanh chóng, tiện lợi bao gồm cả các website lẫn các ứng dụng di động. Khách hàng có thể thực hiện việc thanh toán mua hàng, trả tiền dịch vụ ở bất kì nơi đâu, bất kì lúc nào chỉ bằng một vài thao tác đơn giản kèm theo một bước xác nhận mật khẩu giao dịch;
– Giúp tiết kiệm thời gian làm việc và di chuyển của người dùng, thực hiện các giao dịch thanh toán dễ dàng và nhanh chóng. Song song đó, người dùng có thể thực hiện truy vấn thông tin tài khoản mọi lúc mọi nơi, đặc biệt không cần phải mang theo tiền mặt, tránh tình trạng bị rơi tiền hay bị đánh cắp;
– Thanh toán qua ví điện tử giúp bảo mật các giao dịch, cho phép thanh toán những khoản chi phí nhỏ, dễ sử dụng, phổ biến (vì nó có thể không cần liên kết với tài khoản ngân hàng trong quá trình thanh toán) và phạm vi sử dụng rộng. Ngoài ra, ví điện tử có thể được sử dụng cho thanh toán thông thường hàng ngày và các ứng dụng khác như một thẻ thông minh cũng như thanh toán qua Internet (Theo Sahut, 2008).
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà ví điện tử mang lại, vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục như:
- Hệ thống bảo mật chưa thật sự làm người dùng tin tưởng;
- Nơi chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử chưa nhiều;
- Người dùng bị tốn phí trong quá trình sử dụng, thậm chí phí này cao hơn so với phí sử dụng các dịch vụ ngân hàng số như Internet banking, mobile banking,…
- Nguy cơ gười dùng có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, bị mất tiền khi máy tính, điện thoại cá nhân thường xuyên truy cập vào các website không đáng tin cậy, có chứa mã độc.
Bên cạnh đó, theo Poliushkevych (2019), vấn đề quan trọng nhất trong việc sử dụng các hình thức thanh toán hiện đại nói chung cũng như ví điện tử nói riêng là về khuôn khổ pháp luật hoàn hảo. Ở hầu hết các quốc gia, chưa có phương pháp hiệu quả nào cho quy định pháp lý về lưu thông loại hình tiền điện tử. Chính vì thế, trong quá trình sử dụng, quyền lợi của người dùng sẽ không được bảo vệ khi rủi ro, gian lận xảy ra.
Dó đó, đây là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển của ví điện tử tại Việt Nam cũng như một số quốc gia trên thế giới. Điều này một phần đã giải thích vì sao mặc dù tốc độ phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam không ngừng tăng lên nhưng ví điện tử vẫn chưa được nhiều người biết đến, sử dụng rộng rãi.
Song song với sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam là sự phát triển của các phương thức thanh toán kỹ thuật số. Đại dịch COVID-19 đã biến việc sử dụng các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số, đặc biệt là ví điện tử. Phương pháp tiêu dùng này trở thành “điều bình thường mới” đối với nhiều người tiêu dùng có tính kết nối cao ở Việt Nam.
Vào năm 2020, cả nước có khoảng 19,2 triệu người dùng ví di động và số lượng người dùng được dự báo sẽ tăng gần gấp ba lần từ năm 2020 đến năm 2025 (Statista).
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2021, tỷ lệ sử dụng ví điện tử đạt gần đến 60% trong số những người được hỏi trên khắp Việt Nam. Tỷ lệ này cao hơn rõ rệt ở các thành phố lớn, chẳng hạn như Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc khảo sát tương tự cũng tiết lộ rằng hơn 60% người dùng Việt Nam đã sử dụng ít nhất hai ứng dụng ví điện tử.
Thị trường ví điện tử Việt Nam đang vào giai đoạn bùng nổ. Theo số liệu thống kê từ Robocash Group, trong bốn năm qua (từ tháng 10 năm 2018 đến tháng 10 năm 2022), số lượng người dùng ví điện tử đã tăng một cách ấn tượng: từ 12,3 lên 41,3 triệu (tức là tăng mạnh tới 330%).
Hiện nay, khoảng 57% dân số trưởng thành của Việt Nam sử dụng ví điện tử, trái ngược với chỉ 14% vào cuối năm 2018. Đây có thể được coi là mức thâm nhập đáng kể, tương đương với gần ba phần năm người Việt Nam là người sử dụng dịch vụ ví điện tử .
Robocash ước tính đến tháng 7/2024, thị trường này sẽ có 50 triệu người dùng hoạt động, 100 triệu vào tháng 5/2026, và 150 triệu vào tháng 7/2030.
Cũng theo Robocash Group, thị trường ví điện tử Việt Nam đang bùng nổ với 90% thị phần thuộc về 3 ví Momo, Moca và ZaloPay. Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt ở lĩnh vực ví điện tử với 40 ví đang hoạt động.
Ngoài ba ví đã đề cập bên trên, thị trường e-wallet Việt Nam còn có ba đối thủ cạnh tranh lớn khác: ShopeePay (AirPay), ViettelPay và VNPT Pay. Sáu công ty này cùng nhau chiếm tổng cộng 99% thị trường, tạo nên một sân chơi hoàn toàn độc quyền. Theo nghiên cứu của Decision Lab, cuối năm 2021, 56% dân số Việt Nam sử dụng Momo, 17% – ShopeePay, 14% – ZaloPay, 8% – ViettelPay, 2% – Moca và 1% – VNPT Pay.
II. Những cái tên dẫn đầu thị trường ví điện tử Việt Nam
Trên thị trường hiện có khoảng hơn 40 ví điện tử đang hoạt động, chứng tỏ sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực ví điện tử ở Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 90% thị phần nằm trong tay 5 “ông lớn” trong ngành (CafeF).
Một báo cáo “Người tiêu dùng số – The Connected Consumer” quý I/2023 của Decision Lab – phối hợp Hiệp hội tiếp thị di động Việt Nam (Mobile Marketing Association Vietnam – MMA) đã được công bố vào ngày 22 tháng 5 năm 2023.
Trong đó, MoMo là ví điện tử được sử dụng nhiều nhất với 68% số người được hỏi. Ví điện tử ZaloPay đứng thứ hai với 53%. Ứng dụng thanh toán đứng thứ ba là ViettelPay với 27%. Xếp ở các vị trí tiếp theo lần lượt là ShopeePay (25%), VNPay (16%) và Moca (7%).
1. MoMo
Với hơn 31 triệu người dùng tính tới đầu năm 2023, MoMo hiện vẫn là ví điện tử được sử dụng nhiều nhất bởi người tiêu dùng Việt Nam. Đây cũng có thể coi là một trong những ví điện tử mở ra thời đại công nghệ thanh toán bằng ví điện tử ở Việt Nam.
Để tăng mức độ phổ biến của mình, MoMo không ngừng mở rộng liên kết với các ngân hàng cũng như cung cấp nhiều tiện ích tài chính liên quan. Hiện này, người dùng có thể thanh toán hóa đơn, mua sắm, gửi tiết kiệm, …, tất cả đều thông qua nền tảng MoMo.
Trong báo cáo của Decision Lab, MoMo là ứng dụng fintech được yêu thích nhất với mức độ 48%, tăng trưởng 2% so với quý cuối năm 2022. Mức độ yêu thích của MoMo cũng dẫn đầu tuyệt đối ở cả ba thế hệ (Gen) X, Y và Z.
2. ZaloPay
Đứng thứ hai là ví điện tử ZaloPay. ZaloPay cũng đang tiếp tục mở rộng hệ sinh thái và cơ sở người dùng sau khi đạt khoảng 11,5 triệu người dùng thanh toán trong năm 2022.
ZaloPay là dịch vụ được cung cấp bởi VNG Corporation, được tích hợp với Zalo – ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam. Người dùng qua đó có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch trực tuyến. Ngoài ra, một số bộ và ban ngành chính phủ cũng đã sử dụng Zalo để làm việc với người dân, đơn giản hóa những quy trình như tiếp nhận thông tin, xử lý hồ sơ, …
3. ViettelPay
ViettelPay là một dịch vụ thanh toán kỹ thuật số được cung cấp bởi Viettel, nhà điều hành mạng di động lớn nhất trong nước với 32% người sử dụng dịch vụ vào quý 4/2022.
Với lợi thế từ công ty mẹ là tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, ViettelPay tận dụng lợi thế từ hệ sinh thái của tập đoàn để phát triển nhanh chóng các sản phẩm và dịch vụ của mình. Kể từ khi ra mắt đến nay, ViettelPay đã trở thành một trong những dịch vụ ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các “ông lớn” khác như MoMo và ZaloPay. Nhờ vào mạng lưới rộng lớn của Viettel tại Việt Nam, ViettelPay vẫn tiếp tục thu hút hàng chục triệu người dùng, .
4. Shopee Pay
ShopeePay (trước đây là Airpay) là dịch vụ ví di động của Shopee, công ty công nghệ đa quốc gia của Singapore chuyên về thương mại điện tử. 30% người tiêu dùng đã sử dụng nền tảng này vào quý 4/2022.
Shopee hiện là một trong những sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam. Với sự tích hợp của Shopee và Shopee Pay, công ty hướng tới cung cấp một trải nghiệm dễ dàng và hoàn chỉnh cho người dùng.
5. VNPay
VNPay là công ty thanh toán kỹ thuật số của Việt Nam cung cấp một loạt các sản phẩm, bao gồm VNPay-POS, giải pháp thanh toán “all in one” dành cho người bán và VNPay-QR, giải pháp thanh toán bằng mã QR.
Hiện nay, VNPAy hỗ trợ thanh toán qua mã QR trên 33 ứng dụng ngân hàng và 8 ví điện tử, với hơn 25 triệu người tiêu dùng sử dụng dịch vụ. VNPAY cũng đang sở hữu mạng lưới 200.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc thông qua các giải pháp VNPAY-POS, VNPAY-QR và cổng thanh toán VNPAY-QR.
III. Cơ hội cho thị trường ví điện tử trong nước
Ví điện tử đang ngày càng trở thành một hình thức thanh toán quen thuộc của người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ. Các chuyên gia nhận định rằng thị trường này vẫn còn rất nhiều cơ hội đang đón chờ phía trước.
- Cung cấp thêm nhiều tính năng mới
Các ví điện tử liên tục cung cấp thêm nhiều tính năng để phục vụ khách hàng với mục tiêu mở rộng thị phần. Ngoài việc ứng dụng công nghệ thanh toán quét QR, một số ví điện tử đã ứng dụng công nghệ quét AR cho phép khách hàng xem và tiếp nhận thông tin theo cách mới mẻ, không gây nhàm chán.
- Mở rộng thị trường tới các vùng nông thôn
Nhiều công ty Fintech hướng tới trong tương lai do nhận thấy những tiềm năng của các vùng này. Trong những năm gần đây với sự phát triển của khu vực nông thôn thì việc sử dụng điện thoại, Internet hay các phương tiện thanh toán hiện đại như ví điện tử cũng được nhiều người dân ở khu vực này quan tâm. Từ đó có thể thấy, đây là thị trường đầy tiềm năng phát triển đối với ví điện tử.
- Số lượng người sử dụng điện thoại thông minh tiếp tục tăng
Hiện nay, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh và sử dụng điện thoại vào Internet ở Việt Nam vẫn đang tăng lên đáng kể. Tính tới đầu năm 2023, có hơn 77 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, tương đương 78,59% dân số (CafeF). Con số này thậm chí còn vượt kế hoạch do chính phủ đề ra.
Bên cạnh đó, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam dự kiến ở mức 63,8 triệu người trong năm 2023, tăng 1,6% so với năm 2022 và chiếm 96,1% lượng người dùng internet trên cả nước. Qua số liệu thống kê có thể thấy, cơ hội gia tăng số lượng người dùng ví điện tử trong tương lai rất lớn.
- Thương mại di động tiếp tục bùng nổ
Hiện nay, thương mại di động (mobile commerce) đã trở thành một phương thức giao dịch phổ biễn của các công ty thương mại lớn trên thế giới và đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Điều này thay đổi cách thức mua bán, giao nhận hàng hóa của con người. Đối với người tiêu dùng: thương mại điện tử giúp họ có nhiều lựa chọn hơn về sản phẩm, dịch vụ; giảm thiểu thời gian mua hàng và chi phí đi lại; …
Song hành cùng sự phát triển của thương mại điện tử đó là các hình thức thanh toán hiện đại như thẻ ngân hàng, ví điện tử hoặc thanh toán qua Mobile Banking, Internet Banking. Do đó, sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ là một trong những cơ hội lớn cho sự phát triển của ví điện tử trong tương lai.
Savvycom – Đối Tác Công Nghệ Hàng Đầu Tại Việt nam
Thành lập từ 2009, Savvycom là một trong những công ty Công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn chuyển đổi số và giải pháp phần mềm trong lĩnh vực tài chính, y tế và bán lẻ cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Với mong muốn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thông tin toàn cầu, Savvycom hướng đến sứ mệnh đưa công nghệ đổi mới vào cuộc sống bằng cách tận dụng nguồn lực lao động kỹ thuật tại Việt Nam, và tầm nhìn trở thành công ty CNTT hàng đầu trong khu vực ASEAN.
Liên lạc với chúng tôi qua, hoặc gửi yêu cầu của bạn trực tiếp tại Form liên lạc:
- Điện Thoại: +84 24 3202 9222
- Hotline: +84 352 287 866 (VN)
- Email: [email protected]